(02/12/2020)

Cuộc thi Demo Day được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 6/11 là nơi để sinh viên kỹ thuật chứng minh tiềm năng của các dự án khởi nghiệp cũng như năng lực bản thân trước hội đồng chuyên môn và các nhà đầu tư.

Cuộc thi bùng nổ những ý tưởng

Đến dự vòng chung kết cuộc thi là 8 nhóm được lựa chọn từ 20 đội thi bao gồm sinh viên của 6 trường đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Học viện Ngân hàng, và Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên.

Tham gia Demo Day lần này, các đội chơi mang đến những sáng kiến và giải pháp xoay xung quanh nhiều chủ đề đa dạng về môi trường, công nghệ, giáo dục, nông nghiệp…

Một thí sinh thử nghiệm sản phẩm trên sân khấu cuộc thi Demo Day ngày 6/11/2020. Ảnh: CCPR-Duy Thành

Trải qua phần trình bày đầy thuyết phục, Ban giám khảo đã tìm ra đội chiến thắng là dự án Máy Nitơ BK. Đây là dự án chế tạo máy sản xuất khí Nitơ tại chỗ, với độ tinh khiết cao, giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu đóng gói và bảo quản thực phẩm. So với chai nitơ mua ở khu công nghiệp đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, máy Nitơ BK có ưu điểm vượt trội về áp suất thấp, hạn chế tối đa rủi ro trong công tác an toàn lao động. Đặc biệt, sản phẩm này có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm lên tới 60% chi phí trong khâu đóng gói bảo quản và chi phí lao động do tận dụng công nghệ tự động hoá.

Sau 6 năm nghiên cứu, Vũ Duy Hưng, sinh viên Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội, trưởng nhóm đội Nitơ BK, chia sẻ hi vọng có thể sớm thành lập công ty đầu tiên tại Việt Nam chuyên sản xuất máy tạo khí Nitơ. Hưng khẳng định cuộc thi đã giúp bản thân hoàn thiện nhiều kỹ năng còn yếu và bồi dưỡng thêm kiến thức về chiến lược kinh doanh.

Theo Duy Hưng, máy khí Nitơ BK là máy tạo khí Nitơ đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, với chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu nhưng giá thành thấp hơn 30% so với các sản phẩm Hàn Quốc và bằng giá máy từ Trung Quốc. Tự tin về giá thành và chất lượng của sản phẩm, Hưng dự kiến sẽ bán được sản phẩm đầu tiên vào cuối năm nay. Hiện nay, máy Nitơ BK đang được sử dụng trên thực tế tại Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng. Duy Hưng cũng đang tư vấn và làm việc cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân để sản phẩm được biết đến rộng rãi trên thị trường.

PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trao giải Nhất cho dự án Máy Nitơ Bách khoa tại Demo Day ngày 6/11/2020. Ảnh: CCPR-Duy Thành

Giải Nhì và giải Ba của cuộc thi lần lượt được trao cho dự án Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị và dự án Túi thơm từ bã chè TEA-TEA.

“Mọi người có mong muốn xây dựng một khu vườn trên gác mái để cung cấp rau sạch cho cả gia đình?” - Lương Xuân Đức, sinh viên năm nhất (K65) Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội, trưởng dự án Nước tưới Humic, thu hút sự chú ý của ban giám khảo và khán giả với câu hỏi đánh trúng nhu cầu của nhiều người tham dự. Nước tưới Humic được chiết xuất từ xác thực vật để tạo thành các dung dịch hữu cơ tưới cho cây. Với ưu điểm nhỏ gọn, dễ sử dụng, chế phẩm đặc biệt phù hợp cho các hộ gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh ngay tại nhà.

Dù đã bắt đầu bán sản phẩm và thu về lợi nhuận dương trong vòng 6 tháng gần đây, Đức cho rằng một trong những nhược điểm của dự án này là khâu tiếp thị. Chàng sinh viên trẻ và đầy tham vọng này khẳng định cuộc thi sẽ giúp sản phẩm của mình tiếp cận đến nhiều doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng. 

Tổng trị giá 3 giải thưởng có giá trị gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao hai giải phụ cho đội thuyết trình ấn tượng – dự án Gạch bê tông rỗng thoát nước và đội thực thi xuất sắc – dự án Ứng dụng gợi ý đồ ăn.

Đẩy mạnh phát triển kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên khối ngành kỹ thuật

Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) của Bộ Khoa học công nghệ. Mục tiêu của đề án là thúc đẩy tinh thần và tạo môi trường khởi nghiệp cho các tổ chức, đơn vị, trong đó có trường đại học hay các cơ sở đào tạo.

Đứng trước xu hướng khởi nghiệp mạnh mẽ hiện nay, các bạn sinh viên khối ngành kỹ thuật có nhiều lợi thế khi được tiếp xúc với các mảng kiến thức về kỹ thuật, công nghệ ngay từ thời gian học đại học. Để hỗ trợ sinh viên phát triển trên con đường khởi nghiệp, các cuộc thi và khóa học được tổ chức tại Bách khoa Hà nội trang bị thêm cho sinh viên kỹ thuật kiến thức về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các ý tưởng và các mô hình kinh doanh, kỹ năng pitching, thuyết trình hiệu quả cũng như cách để phát triển dự án đó.

Demo Day 2020 chính là nơi các đội thi được ươm mầm từ khoá học “Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên các trường kỹ thuật” tại Hà Nội và Thái Nguyên do Viện Kỹ thuật Hoá học và đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên tổ chức.

Vòng chung kết không chỉ là nơi kết nối các bạn sinh viên có chung niềm đam mê kinh doanh, ươm mầm mà còn là thời điểm đánh giá khách quan kết quả của các dự án đã tham gia vào khoá học “Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh đó, đây là cơ hội cho các bạn sinh viên phát triển kỹ năng kết nối và mở rộng mạng lưới đối tác với các nhà đầu tư tiềm năng.

PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội, cảm ơn ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Demo Day ngày 6/11/2020. Ảnh: CCPR-Duy Thành

Tại cuộc thi năm nay, PGS. Huỳnh Đăng Chính chia sẻ trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất quan tâm đến những hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho sinh viên từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông hi vọng với sức trẻ và sáng tạo của mình, các sinh viên có thể đưa ra nhiều sáng kiến, dự án hỗ trợ giải quyết những nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Tại Demo Day 2020, Phòng Thí nghiệm Sáng tạo và Khởi nghiệp Chuyển đổi (D-Lab) và Mạng lưới người cố vấn cho sinh viên khối các trường đại học kỹ thuật (Engineering Mentoring Network) được ra mắt để tiếp tục hỗ trợ và dìu dắt sinh viên đưa những ý tưởng của mình thành các dự án khởi nghiệp thực tế.

D-Lab là đơn vị thuộc Viện Kỹ thuật Hoá học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là tổ chức quản lý dự án ACES do Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu (#GCRF) của Chính phủ Anh tài trợ nhằm hướng tới tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ đầy tài năng phát triển trong tương lai. ACES là mô hình giáo dục lấy cộng đồng làm trung tâm để phát triển khả năng phục hồi xã hội thông qua vui chơi.